Content Facebook tưởng chừng như viết rất đơn giản nhưng để hiệu quả lại là chuyện khác. Một tiêu đề không có điểm nhấn sẽ khiến người xem lướt qua “không thương tiếc”. Cùng Vietclass.vn tìm hiểu những lỗi phổ biến khi viết Content Facebook.
5 lỗi phổ biến thường gặp khi viết Content Facebook
1. Phần mở đầu không thu hút
Ngoài hình ảnh poster, mẫu quảng cáo thường chỉ hiển thị 3 dòng đầu tiên. Người xem có dừng lại đọc hết tiêu đề hay tò mò xem thêm hay không là do sức hấp dẫn của phần mở đầu này.
Những lỗi tiêu đề phổ biến là: không có điểm nhấn, kể lể đơn thuần. Phần dẫn dắt các bạn hay viết dài dòng dễ bị bỏ qua… rất lãng phí. Để tiết kiệm diện tích vàng, bạn không nên để khoảng cách dòng trống sau tiêu đề.
Gợi ý: Chèn những con số, đặt câu hỏi, tính từ, động từ, cảm xúc…
2. Viết lan man, dài dòng
Format của Content Facebook hoàn toàn khác với website. Nhiều bạn dẫn dắt quá dài dòng, không xuống dòng nên đọc mãi không thấy ý chính. Người xem không đủ kiên nhẫn để đọc hết, vì vậy hãy viết ngắn gọn và súc tích.
Gợi ý: Bạn nên dùng cấu trúc câu ngắn gọn, dễ hiểu. Nếu bài có nhiều đoạn, hãy để tối đa 3-4 dòng sẽ dễ nhìn, người xem đọc lướt vẫn nắm được ý. Sau khi viết xong, hãy đọc kỹ và bỏ bớt ý thừa, từ thừa. Những từ hoặc câu bỏ đi mà ý nghĩa vẫn không thay đổi thì được xem là thừa.
3. Lỗi chính tả
Content dù có hay nhưng lại sai chính tả thì giống như đang ăn cơm ngon mà có sạn.
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
Là người làm việc với con chữ, hãy thận trọng và chịu trách nhiệm với điều mình viết ra.
Gợi ý: Đọc kỹ sau khi viết, cài phần mềm kiểm tra chính tả trên máy tính để cảnh báo khi có từ viết sai.
4. Lỗi dùng từ
Lỗi này gặp phải là do sự hiểu biết chưa rõ nghĩa, nhẹ thì chưa đúng ý, nặng thì sai lệch hoàn toàn. Điều này đúng với câu “sai một ly, đi một dặm”. Ngoài ra, một lỗi phổ biến là “lặp từ”- quá nhiều từ giống nhau .
Gợi ý: Dùng từ thay thế: đồng nghĩa, gần nghĩa, hoặc khó quá không nghĩ ra từ gì thay thế thì chọn các diễn đạt khác.
5. Lỗi ngữ pháp
Content Facebook cần ngắn gọn súc tích, thế nhưng không có nghĩa là bạn được tuỳ tiện viết câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ hoặc có khi thiếu cả 2 – chỉ mới có trạng ngữ chỉ mục đích.
Gợi ý: Đọc lại Ngữ pháp tiếng Việt (câu đơn, câu ghép, câu đặc biệt, câu rút gọn).
>> Xem thêm các lỗi Content Facebook khiến bạn bị “ngó lơ” khác tại đây.